Kết cục Chiến_dịch_tấn_công_Gorlice–Tarnów

Chiến dịch tấn công Gorlice–Tarnów kết thúc với chiến thắng vẻ vang của khối Liên minh Trung tâm. Trong giai đoạn từ ngày 2 tháng 5 cho đến ngày 22 tháng 6, tập đoàn quân số 11 Đức cùng các tập đoàn quân số 2, 3 và 4 Áo-Hung đã thọc sâu đến 299 km. Tuy vậy, cái giá họ phải trả là không nhỏ: trong các ngày 2 tháng 5 – 22 tháng 6, tập đoàn quân số 11 Đức chịu thương vong khoảng 87.000 người, trong đó 12.000 thiệt mạng. Phần lớn tổn thất của Đức thuộc về quân đoàn Dự bị XXXXI và quân đoàn Vệ binh, trong đó nhiều đơn vị bộ binh bị giảm xuống còn một nửa hoặc chưa đầy một nửa binh lực. Bên cạnh đó, Nga chịu thiệt hại hết sức ghê gớm, với 10 vạn người tử trận hoặc bị thương, cộng thêm 250.000 bị bắt làm tù binh. Thêm vào đó, quân Đức và Áo-Hung đã thu giữ hoặc phá hủy 224 cỗ đại bác, hàng trăm khẩu súng máy và hàng chục vạn khẩu súng trường. Đây là những tổn thất nghiêm trọng mà phía Nga khó thể bù đắp. [3]

Thảm bại tại Galicia cũng làm tan vỡ tinh thần quân đội Nga ở khu vực này. Theo như thượng tướng bộ binh Hermann von François - tư lệnh quân đoàn Dự bị XXXXI Đức cho hay, nhiều lính Nga bị bắt trên tuyến Grodek đã tỏ ra vui lòng khi được giải về trại tù binh của Đức và Áo. [3]

Các chiến dịch kế tiếp của phe Trung tâm

Seeckt và Mackensen yết kiến Đức hoàng Wilhelm II trên chiến trường Đông Âu (1915).

Sau khi đánh sụm phương diện quân Tây Nam vào tháng 6, Seeckt nhận định thời cơ đã đến để tiêu diệt phương diện quân Tây Bắc và có thể loại Nga khỏi vòng chiến bằng một hòa ước riêng biệt. Được sự đồng thuận của Mackensen, Seeckt đề xuất chuyển hướng tấn công lên phía bắc vào ngày 24 tháng 6. Cụ thể là, được hỗ trợ bởi một mũi tấn công của cụm tập đoàn quân Hindenburg, cụm tập đoàn quân Mackensen sẽ đánh lên mạn bắc và xâm nhập Ba Lan thuộc Nga từ phía nam. Nếu như phe Trung tâm toàn thắng, phương diện quân Tây Bắc của Nga sẽ bị sập bẫy tại Ba Lan phía tây sông Bug. Falkenhayn đồng ý và nhận được sự tán đồng của Hoàng đế vào ngày 28 tháng 6. Mặc dù Hindenburg và Ludendorff bất đồng với các mục tiêu mà Falkenhayn đặt ra cho cụm tập đoàn quân của họ trong chiến dịch sắp tới, ý kiến của họ đã bị gạt sang một bên bởi Đức hoàng và Bộ Chỉ huy Tối cao. Trong cuộc hội thảo giữa Bộ Chỉ huy Tối cao với Hindenburg và Ludendorff tại Posen vào ngày 2 tháng 7, Wilhelm II chính thức chấp thuận đề xuất của Seeckt, Mackensen và Falkenhayn. [20]

Sau thời gian ngắn chuẩn bị, liên quân Đức-Áo ào ạt tấn công lên phía bắc và đông bắc vào giữa tháng 7. Được hỗ trợ bởi các mũi tấn công thứ yếu của Hindenburg, cái mà báo chí Nga gọi là "phương trận Mackensen" tấn công mãnh liệt và liên tiếp chọc thủng các tuyến phòng ngự được xây dựng vội vã của Nga. Sau khi chiếm được Warszawa vào ngày 4 tháng 8, quân khối Trung tâm đã quét sạch quân Nga khỏi Ba Lan trong thời điểm cuối tháng 8 năm 1915. Kết thúc chiến dịch, quân Đức đã chiếm được Brest-Litovsk vào ngày 26 tháng 8Grodno vào ngày 2 tháng 9. Trong một chiến dịch kế tiếp, quân Đức thọc vào miền tây Nga và Litva. Mặc dù vậy, đại công tước Nikolai Nikolayevich đã rút được lực lượng vào nội địa Nga, làm Đức không thể thực hành hợp vây tiêu diệt phương diện quân Tây Bắc và loại Nga khỏi vòng chiến. Về ngoại giao, các chiến dịch của Đức và Áo-Hung đã đem lại kết quả lẫn lộn: mặc dù những chiến thắng của Mackensen không thể ngăn ngừa Ý tuyên chiến với Áo-Hung vào ngày 23 tháng 5, những diễn biến tại Galicia đã thuyết phục chính phủ Romania từ chối nhảy vào cuộc chiến mặc dù Nga hứa sẽ chia chác lãnh thổ Áo-Hung với Romania. [20][5][13]

Dù gì, trong năm 1915, Mackensen và Seeckt đã đạt được một trong những trận thắng lớn nhất trong cuộc chiến. Các chiến dịch của họ đã giáng một đòn đau vào nỗ lực chiến tranh của Nga, gây cho Nga thiệt hại khổng lồ về nhân lực và tài lực.[21] Theo sử gia Hew Strachan, Mackensen và Seeckt, chứ không phải Hindenburg và Ludendorff, là bộ đôi chỉ huy thành công nhất của Đức trong cuộc chiến.[11] Đồng thời, những thất bại ê chề tại Galicia đã dẫn đến việc Nga hoàng Nikolai II huyền chức Nikolay Nikolayevich và đứng ra trực tiếp chỉ huy quân đội. Đây là một quyết định tai hại cho tương lai của chế độ Nga hoàng.[22]